Nhận diện chuỗi liên kết để phát triển chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam và Lào đến năm 2030
21:19 - 08/12/2023
Tạ Đức Tuân
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Thực hiện nội dung hợp tác về kinh tế trong mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về mặt tài nguyên, nguyên nhiên liệu, nhân công giá rẻ và các lợi thế so sánh khác. Các Bộ, Ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp hai nước đã hình thành và phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa hai bên. Tuy nhiên, các liên kết này chưa thực sự phát triển, khai thác dư địa hợp tác như mong đợi. Bài viết này, tập trung vào việc cung cấp một số cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm giúp nhận diện chuỗi liên kết trong công nghiệp để đề xuất các giải pháp phát triển liên kết công nghiệp giữa Việt Nam và Lào.
Từ khóa: Chuỗi liên kết; Liên kết Công nghiệp hóa; Quan hệ Việt Lào
1. Một số vấn đề về chuỗi liên kết
- Chuỗi liên kết theo chiều dọc
Sự thành công của ngành CN hai nước bắt nguồn tự sự thành công của từng DN ở từng địa phương. Chuỗi liên kết này muốn tồn tại và phát triển, phải hình thành nên các mỗi liên kết phù hợp với nhu cầu phát triển của mình. Hình thành và phát triển các mối quan hệ liên kết này nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở sản xuất liên quan trong chuỗi ngành CN Việt Nam-Lào.
Việc hình thành những CLKCN đã mang lại những lợi ích cho phát triển KTXH của cả hai nước. Những chuỗi liên kết CN đã cơ bản được hình thành như sau:
+ Chuỗi liên kết của ngành chế biến nông, lâm sản và thực phẩm
Hai nước đang đạt được những thành quả nhất định. Chuỗi liên kết này kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất ở Lào với các đầu mối chế biến và XK nông sản của Việt Nam, nhằm đưa Lào trở thành một phần vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông, lâm sản XK của Việt Nam.
Hiện có 49 dự án đầu tư vào Lào trong lĩnh vực NN, các dự án NN do Việt Nam đầu tư hình thành nên một chuỗi cung ứng nguyên, nhiên liệu cho ngành CN chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Những dự án đầu tư có hiệu quả như: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao,…
+ Chuỗi liên kết công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
Doanh nghiệp Việt Nam-Lào đã đầu tư vào các dự án khai thác, chế biến khoáng sản như: Quặng sắt, quặng thiếc,... tại Lào, từ đó XK trở về Việt Nam chế biến và XK. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đang tham gia công đoạn khảo sát, thăm dò tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc chồng lấn cấp phép khai thác dự án.
+ Chuỗi liên kết trong sản xuất và cung ứng năng lượng-mỏ
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào, cụ thể bao gồm: Liên kết 220kV cụm nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào)-Nông Cống (Thanh Hóa, Việt Nam); liên kết 220kV cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô (Lào)-Tương Dương (Nghệ An, Việt Nam); liên kết 220kV Nhà máy thủy điện Nậm E-Moun (Lào)- Trạm cắt 220kV Đăk Ooc (Quảng Nam, Việt Nam); liên kết 220kV cụm nhà máy thủy điện Nậm Kong (Lào)-Trạm cắt 220kV Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam); liên kết 500kV Monsoon (Lào)-Thạch Mỹ (Quảng Nam, Việt Nam).
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, tiềm năng điện mặt trời của Lào có thể vào khoảng từ 10.000 đến 15.000MW. Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi và tiến hành việc lắp đặt 58 nhà máy điện mặt trời trên toàn quốc với tổng công suất lên tới 7.656 MW. Tám trong số nhà máy điện mặt trời nói trên đã hoàn thành và 50 trong số đó vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) và Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT). Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển các dự án NLTT tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500MW hướng tới bán điện về Việt Nam.
Về liên kết trong lĩnh vực khai thác, quản lý mỏ, với trữ lượng than đá của hai tỉnh Sekong và Saravane lên tới 500 triệu tấn. Hiện nay có 4 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu than đá rất lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Đông Bắc. Ngoài ra, còn rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh than Việt Nam mong muốn nhập khẩu than từ Lào. Bộ Công Thương Việt Nam tạo điều kiện kết nối thông tin giữa các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam với tập đoàn, doanh nghiệp XK than của Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa hai nước.
+ Chuỗi liên kết chế biến, chế tạo
Với cơ cấu sản phẩm nhập khẩu chính của Lào là phương tiện (không phải xe máy và xe đầu kéo), dầu diesel, thiết bị cơ khí (không phải dùng cho phương tiện), phụ tùng ô tô (gồm lốp, kính bảo hộ và xích), dây điện, cáp, nhựa, gas, phân bón, sản phẩm hóa chất và dược phẩm. Do đó có thể thấy, chuỗi liên kết trong ngành CN chế biến, chế tạo giữa Việt Nam-Lào vẫn còn rất yếu. Chưa hình thành được một chuỗi liên kết khép kín nào ngoài việc xuất, nhập các sản phẩm nguyên vật liệu phục vụ tiêu dùng và sửa chữa nhỏ.
+ Chuỗi liên kết ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Lào hiện có 18 nhà máy xi măng đặt tại thủ đô Vientiane, tỉnh Vientiane, Xieng Khuang, Xayaboury, Luang Prabang, Khammuan, Savannakhet, Saravan và tỉnh Oudomxay, sản lượng hơn 10 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hiện, giá xi măng sản xuất tại Lào rẻ hơn từ 100.000-200.000 Kip/tấn so với xi măng nhập khẩu. Gần đây, Chính phủ Lào cũng đã loại bỏ thủ tục cấp giấy phép NK xi măng nhằm giảm bớt quy trình NK, tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc, các nhà NK chỉ cần khai báo cho hải quan để được cho phép NK mặt hàng này.
Trong những năm qua, Lào phải NK hàng triệu tấn xi măng để cung cấp cho các dự án phát triển quy mô lớn, do sản xuất xi măng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự gia tăng nhanh chóng của các dự án xây dựng nhà máy thủy điện, xây dựng cầu đường, và các dự án khai thác mỏ, nhu cầu về xi măng tiếp tục tăng.
+ Chuỗi liên kết ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo: Hình thành chuỗi liên kết cơ khí chế tạo phục vụ cho nông nghiệp. Các CLKN theo mô hình vệ tinh, đã hình thành các CCN thông thường tổ chức theo mô hình trục bánh xe và nan hoa. Điển hình cho trường hợp này là công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco). Công ty này đã đầu tư thành lập Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải tại KKT mở Chu Lai. Hiện nay, Khu phức hợp này đã có 23 công ty, nhà máy (4 nhà máy sản xuất, lắp ráp, 8 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng) và các đơn vị hỗ trợ. Ở đây, “trục bánh xe” là Thaco và “nan hoa” là 23 đơn vị hỗ trợ.
+ Chuỗi liên kết ngành công nghiệp hóa chất: Chuỗi liên kết sản phẩm thuộc ngành CN hoá chất Việt Nam-Lào hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống cho nhu cầu thị trường nội địa hai nước mà chưa nắm bắt được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào NK, chưa hình thành rõ nét một chuỗi cung ứng giữa các sản phẩm hoá chất, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (như cao su kỹ thuật, hoá chất cơ bản phẩm cấp cao, các loại khí hiếm, nhựa và vật liệu cao cấp…). Ngành hóa chất, tại Việt Nam đã bước đầu hình thành một số Tổ hợp công nghiệp hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa). Các nhà đầu tư khác đang thực hiện dự án sản xuất săm lốp tại Việt Nam như Dự án Nhà máy Dongah-Vina tại Quảng Ngãi,
Chuỗi liên kết phát triển ngành CN hóa chất Việt Nam-Lào cần có KCN hóa chất chuyên sâu với nhiều DN hóa chất và DN có liên quan tạo thành chuỗi và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
+ Chuỗi liên kết ngành công nghiệp dệt may, da giầy: Hình thành chuỗi liên kết ngành dệt may, da giầy tham gia phần gia công, chế biến nguyên vật liệu được thực hiện trong nước đạt được 20-30%, phần thực hiện ở nước ngoài tới 70-80% do nhập khẩu nguyên vật liệu. Dệt may, da giầy có định hướng xuất khẩu rất cao, thì liên kết quốc tế, hay nói cách khác, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có ý nghĩa sống còn cho các DN Việt Nam-Lào. CLKN cho DN các ngành này nên theo mô hình vệ tinh, theo đó hạt nhân là các DN may mặc hoặc da giầy xuất khẩu và các DN Việt Nam-Lào (chủ yếu là các DN Việt Nam) sản xuất các linh kiện, phụ kiện, chi tiết… hỗ trợ cho DN “hạt nhân”.
- Chuỗi liên kết theo chiều ngang
Liên kết giữa Chính phủ, Bộ chuyên ngành, địa phương giữa hai nước Việt Nam-Lào trong xử lý các vấn đề mang tính vĩ mô, liên ngành. Các liên kết chủ thể vĩ mô có thể trên các lĩnh vực KTXH, CN, TM,... cụ thể bao gồm:
- Phối hợp trong xây dựng quy hoạch phát triển ngành, vùng ở từng địa phương;
- Phối hợp trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư;
- Xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ yếu;
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng, như đường sá, cảng biển, sân bay; kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc; bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu;
- Xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp; trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ;
- Phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài đào tạo và dạy nghề;
- Bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên;...
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song dưới sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của hai Đảng, hai Nhà nước, các nội dung Thỏa thuận cấp cao Việt Nam-Lào đã được các cấp, các ngành, địa phương của hai bên phối hợp triển khai tích cực, đạt hiệu quả thiết thực; hợp tác song phương Việt Nam-Lào có những chuyển biến mạnh mẽ.
Các cơ chế và chính sách thúc đẩy liên kết giữa Việt Nam-Lào nhằm tăng cường quan hệ thương mại, công nghiệp,... giúp phát triển bền vững và hợp tác trong các tổ chức quốc tế. Các hoạt động hợp tác này giúp tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các DN của hai nước, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng CN của hai nước.
Trong liên kết, hợp tác đầu giữa hai nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhiều dự án đầu tư của DN Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển KTXH, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa,...
Một số dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng đã được hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng TM biên giới Việt Nam-Lào; phối hợp sửa đổi Hiệp định TM Việt Nam-Lào, Hiệp định TM biên giới Việt Nam-Lào phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN cũng như cơ quan chức năng hai nước trong quá trình thực hiện.
- Tác động của các chuỗi liên kết đến phát triển liên kết công nghiệp
Việt Nam-Lào đã thiết lập và thực hiện một số cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy liên kết CN giữa hai nước:
- Thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại: Việt Nam-Lào đã ký kết nhiều thỏa thuận về hợp tác kinh tế và TM, trong đó bao gồm việc thúc đẩy LKCN. Các thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi cho DN của hai nước hợp tác trong lĩnh vực CN, bao gồm việc chia sẻ công nghệ, đầu tư vào các dự án CN chung và phát triển các KCN.
- Xây dựng khu công nghiệp chung: Việt Nam-Lào đã hợp tác xây dựng và phát triển các KCN chung. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các DN của hai nước hợp tác trong việc chia sẻ kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ. Các KCN chung này giúp tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các DN của hai nước.
- Hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ: Việt Nam đã cung cấp hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ cho Lào trong lĩnh vực CN. Điều này giúp Lào nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng CN của mình. Việt Nam cũng hỗ trợ Lào trong việc xây dựng các trung tâm đào tạo và nghiên cứu CN, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu của Lào.
- Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp chế biến: Việt Nam-Lào đã hợp tác trong lĩnh vực CN chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản và lâm sản. Việt Nam đã hỗ trợ Lào trong việc xây dựng các nhà máy chế biến và cung cấp công nghệ chế biến hiện đại. Điều này giúp Lào tận dụng tối đa tiềm năng nông sản và lâm sản của mình, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển CN chế biến.
Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa hai chính phủ đã giúp tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các DN của hai nước, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng CN của hai nước.
- Một số đánh giá
3.1 Điểm tương đồng
Chuỗi liên kết theo chiều dọc và chiều ngang thường phức tạp; cần nhiều nguồn lực để thực hiện. Cả hai cũng tương tự nhau theo nghĩa chúng là các hoạt động tăng cường tính liên kết và hợp tác CN giữa hai nước, nhằm tận dụng lợi thế và tiềm năng của mỗi bên để tạo ra sự kết hợp trong các ngành CN.
Tuy nhiên, cần có sự hợp tác và đầu tư từ các bên liên quan, cũng như đảm bảo rằng các vấn đề về chính sách và quy định được giải quyết để tạo môi trường thuận lợi cho chuỗi liên kết CN giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
3.2 Sự khác biệt
Chuỗi liên kết dọc cũng có thể theo đuổi liên kết theo chiều ngang và trên thực tế các chính phủ làm như vậy. Chuỗi liên kết này muốn tồn tại và phát triển, phải hình thành nên các mối liên kết ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của cả hai. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản, ý nghĩa hoạt động của việc thực hiện cả hai chiến lược có sự khác biệt rất rõ ràng.
3.2.1 Liên kết theo chiều dọc
- Kiểm soát nhiều hơn thông qua quyền sở hữu các giai đoạn gia tăng giá trị
- Các doanh nghiệp tích hợp theo chiều dọc tạo ra lợi ích cao hơn
- Hiệu quả và linh hoạt hơn trong liên kết, hợp tác phát triển của một ngành công nghiệp
- Vốn đầu tư để duy trì quá trình sản xuất; phân phối
3.2.2 Liên kết theo chiều ngang
- Liên kết giữa Chính phủ, Bộ chuyên ngành, địa phương giữa hai nước
- Lợi ích là sự thành công của doanh nghiệp hai nước trong chuỗi giá trị
- Linh hoạt, hiệu quả tối đa và có tính lan tỏa rất lớn
- Yêu cầu nguồn lực rất lớn
Trong một tích hợp theo chiều dọc, DN vệ tinh tham gia vào chuỗi các ngành CN để hỗ trợ và hoàn thiện chuỗi sản xuẩt và tiêu thụ của ngành CN cốt lõi của mình. Trong khi đó, liên kết theo chiều ngang, DN cạnh tranh nhau trong cùng một ngành duy nhất nhưng mở rộng thông qua sáp nhập; mua lại và liên minh- hợp tác chiến lược. Như vậy, liên kết dọc là mô hình khép kín-độc quyền hơn so với liên kết theo chiều ngang; cởi mở hơn do có sự tham gia của các đối tác và nhu cầu hợp; ngoài ra tiêu tốn ít nguồn lực của DN hơn thông qua các thỏa thuận hợp tác.
Hiện nay, chuỗi liên kết CN giữa Việt Nam-Lào đang được phát triển và có tiềm năng tăng cường khi quan hệ TM và đầu tư giữa hai quốc gia đang có bước phát triển tốt. Việt Nam-Lào đang cố gắng tận dụng lợi thế và tiềm năng của mỗi bên để tạo ra sự kết hợp trong các ngành CN. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác và đầu tư từ các bên liên quan, cũng như đảm bảo rằng các vấn đề về chính sách và quy định được giải quyết để tạo môi trường thuận lợi cho chuỗi liên kết CN giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hợp tác trong CLKCN giữa hai quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích, tăng cường tăng cường nguồn cung ứng và thị trường mới, chia sẻ kỹ thuật và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội đầu tư và việc làm cho cả hai nước.
- Chính phủ và chính sách ưu đãi, hỗ trợ: Chính phủ, chính quyền địa phương và chính sách CN có vai trò quan trọng trong việc phát triển CLKCN. Theo UNIDO, chính sách CN, bao gồm chính sách quốc gia và chính sách phát triển CLKCN, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển CLKCN. Chính sách của Nhà nước đóng vai trò:
(1) Cung cấp các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ cho sự phát triển của chuỗi liên kết ngành, nhất là ở giai đoạn đầu hình thành và phát triển chuỗi liên kết ngành CN;
(2) Đưa ra định hướng, mục tiêu và phương hướng phát triển mạnh mẽ CLKCN. Hệ thống chính sách để phát triển CLKCN cần đảm bảo lấy chuỗi CN làm trung tâm để xây dựng chính sách. Chính sách này bao gồm các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi thuế, quy định đầu tư, quy trình cấp phép, bảo vệ sở hữu trí tuệ, và khuyến khích đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó là các chương trình, hoạt động hỗ trợ các tác nhân tham gia CLKCN. Các hoạt động này có thể gồm đào tạo, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, và thiết lập mạng lưới kết nối.
- Doanh nghiệp và sự tích tụ doanh nghiệp: Đây là điều kiện tiên quyết để hình thành CLKCN. Việc tập trung DN thúc đẩy sự liên kết và cạnh tranh để phát triển, mặt khác thu hút các thể chế hỗ trợ, phục vụ DN. Một trong những yếu tố thành công then chốt để phát triển cụm ngành chính là sự hiện diện của các mối quan hệ kinh doanh và sự phối hợp giữa các thành phần tham gia CLKCN (vừa hỗ trợ vừa cạnh tranh). Đó có thể là mối quan hệ giữa DN chủ đạo với các nhà cung cấp, giữa các nhà cung cấp, giữa các DN sản xuất với các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích, với các trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực.
- Các nguồn lực và yếu tố đầu vào: Việc hình thành các CLKCN trong các ngành kinh tế thường được thúc đẩy ở những khu vực có các điều kiện thuận lợi, phù hợp với ngành kinh tế cần phát triển. Theo đó, trong vùng lãnh thổ có lợi thế cạnh tranh về kết cấu hạ tầng thuận lợi, tài nguyên và nguồn nhân lực dồi dào, các thể chế hỗ trợ như các nhà cung cấp sản phẩm CNHT, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu là yếu tố cần thiết để thúc đẩy cụm ngành phát triển. Một số nhân tố chính là:
+ Nguyên vật liệu đầu vào, các ngành công nghiệp liên quan: Khu vực có nguồn nguyên liệu đầu vào, các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ sẵn có là yếu tố quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất, hình thành CLKCN. Điều này rất quan trọng trong các lĩnh vực công nghiệp thâm dụng tài nguyên như chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản.
+ Hạ tầng kỹ thuật, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, điện nước và các khu công nghiệp: Là một yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho CLKCN phát triển. Một hạ tầng tốt giúp tăng cường khả năng kết nối và giao thương giữa các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng và tăng cường sự cạnh tranh.
+ Nguồn nhân lực và đào tạo: Các CLKCN cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong CLKCN giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng sáng tạo và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
+ Cơ sở khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển: Sự khuyến khích và hỗ trợ cho hoạt động đổi mới, nghiên cứu và phát triển có vai trò quan trọng trong việc xây dựng CLKCN. Các hoạt động này có thể bao gồm việc tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo, hỗ trợ công nghệ và quy trình sản xuất mới, và tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu.
- Nhu cầu thị trường: Nhu cầu là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành phát triển các ngành công nghiệp nói chung và CLKCN nói riêng. Với thị trường lớn, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ dễ dàng quyết định đầu tư, tham gia cụm ngành và phát triển với quy mô sản xuất lớn. Mặt khác nhu cầu thị trường cũng đồng thời liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm và tính chất của khách hàng. Nhìn chung, với yêu cầu ngày càng cao của thị trường sẽ buộc DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyên môn hóa, cung cấp hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn mới có khả năng thành công.
Việc đa dạng và mở rộng thị trường DN hai nước vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài, do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. Một số vấn đề đặt ra đối với chuỗi liên kết công nghiệp Việt Nam-Lào bao gồm:
- Vấn đề hạn chế về kết cấu hạ tầng: Việc phát triển chuỗi liên kết CN đòi hỏi sự đầu tư vào kết cấu hạ tầng như đường giao thông, cầu đường, cảng biển, sân bay và hệ thống điện lực. Việc thiếu hạ tầng hoặc hạ tầng kém chất lượng có thể làm giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh của chuỗi liên kết CN.
- Vấn đề về quy định pháp lý: Việc xây dựng một chuỗi liên kết CN hiệu quả đòi hỏi sự thống nhất và minh bạch trong quy định pháp lý. Các quy định về đầu tư, thuế, lao động và TM cần được đưa ra một cách rõ ràng và công bằng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết CN.
- Vấn đề về nguồn nhân lực: Việc xây dựng chuỗi liên kết CN đòi hỏi sự đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và hiểu biết về CN có thể làm giảm hiệu suất và chất lượng sản xuất trong chuỗi liên kết CN.
- Vấn đề về quản lý và hợp tác giữa các doanh nghiệp: Việc xây dựng chuỗi liên kết CN đòi hỏi sự quản lý và hợp tác chặt chẽ giữa các DN trong chuỗi. Việc thiếu sự tin tưởng, không đồng nhất về mục tiêu và phương pháp làm việc có thể gây ra sự cố trong quá trình hoạt động của chuỗi liên kết CN.
- Vấn đề về bảo vệ môi trường: Việc xây dựng chuỗi liên kết CN cần phải đảm bảo bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững./.